NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Chuyện bầu cử ở Việt Nam chẳng nói thì ai cũng biết đấy là trò lòe thiên hạ. Làm gì có dân chủ trong bầu cử ở Việt Nam. Nó chỉ khác là lần này, trò lừa bịp ấy bị phơi bày một cách lộ liễu nhất, trơ trẽn nhất.
Phong trào tự ứng cử của những người hoạt động xã hội độc lập đã đóng vai trò chính trong việc bóc đi các lớp lang bên ngoài cho thiên hạ thấy một sự thật và khi đó, nhà cầm quyền chẳng cần che đậy nữa.
Dù sao thì cũng không thể có ứng cử viên nào mà nhà cầm quyền không muốn lại vào được quốc hội. Có điều là sự đối phó của họ vất vả hơn, căng thẳng hơn bằng tất cả thủ đoạn tinh vi, và tinh vi không được thì dùng thủ đoạn trắng trợn, lộ liễu. Vì vậy, cái giá phải trả cũng đắt hơn.
Qua giai đoạn hội nghị cử tri, nhà cầm quyền VN đã loại hết những ứng cử viên đối lập. Và để làm được điều đó, họ đã phải trả giá bằng nhiều tai tiếng. Bây giờ họ chỉ còn lo sao cho tỉ lệ cử tri đi bầu sao cho cao nhất có thể . Mà nếu cử tri đi bầu không đông, hoặc chẳng may người nào đó trượt hay trúng ngoài mong muốn thì việc đó không khó vì họ hoàn toàn thay đổi được kết quả bầu cử. Điều này đã được chứng minh trong các kỳ bầu cử trước.
Ngày kia, 22/5 là ngày bầu cử. Cho đến lúc này, có thể thấy việc tổ chức bầu cử của họ rất không chuyên nghiệp. Những người tham gia vào quá trình bầu cử (Hội đồng bầu cử, ủy ban bầu cử, mặt trận các cấp…) vừa gian manh xảo quyệt, vừa non kém về luật pháp. Xin đưa ra vài ví dụ:
1.Đưa khái niệm đại diện cử tri vào Nghị quyết 1134/2016/UBTVQH13 của Quốc hội một cách trái luật. Mục đích nhằm tạo cho ban tổ chức hội nghị cử tri muốn cho ai đi dự thì đi, không muốn thì tước quyền cử tri của họ.
Nên nhớ, theo luật bầu cử, chỉ có “Hội nghị cử tri” chứ không hề có “Hội nghị đại diện cử tri”.
Nghị quyết 1134 lại không chặt chẽ. Với Hội nghị cử tri ở nơi cong tác thì nói có thể mời đại diện cử tri, nhưng Hội nghị ở nơi cứ trú lại không nói tới nhưng hành văn lại làm cho người ta hiểu là có thể mời đại diện cử tri.
Nghị quyết không hề giải thích thế nào là đại diện cử tri, ngầm cho các địa phương hiểu rằng chính quyền có thể chỉ định đại diện cử tri tùy ý. Bản thân chữ “đại diên” đã nói lên rằng, đại diện tức là phải bầu. Nhà cầm quyền không thể chỉ định ai thay mặt cho ai, còn chuyện bầu đại diện cử tri xưa nay không hề có.
2. Chầy cối, không trả lời ứng cử viên.
Việc không trả lời đơn thư của ứng cử viên thể hiện sự chầy cối của họ, coi thường ứng cử viên. Việc này có 2 lý do:
Một là là trong đơn thư, các ứng cử viên đưa ra những lý lẽ, bằng chứng cụ thể, vì vậy họ không dám đối thoại đàng hoàng với ứng cử viên, chỉ còn biết lảng tránh.
Hai là họ mang thói quen cộng sản, coi thường dân, thích thì trả lời không thích thì thôi, không cần biết đến luật lá gì hết. Nhiều dân oan đi khiếu kiện không những không được trả lời, giải quyết mà còn bị bắt bỏ tù. May mà các ứng cử viên nộp đơn thư chỉ bị lờ đi thôi chứ chưa có ai bị bắt.
Trong quá trình ứng cử, tôi gửi đi 3 lá đơn tới 4 địa chỉ:
-Hội đồng bầu cử quốc gia
-Ủy ban bầu cử Tp Hà Nội
-Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tp Hà Nội
vị chi 12 lượt đơn nhưng chỉ 1 lần được trả lời là đơn đã chuyển về huyện.
3. Nhầm tưởng Hội nghị cử tri quyết định việc tiếp tục hay kết thúc quá trình ứng cử của ứng cử viên.
Họ cho rằng, ứng cử viên không đạt 50% số phiếu tại hội nghị cử tri thì đương nhiên bị loại. Xin thưa, không hề có qui định nào như vậy. Kết quả ở Hội nghị cử tri chỉ là một trong những căn cứ xem xét trong hiệp thương mà thôi. Xin hỏi các vị, nếu bầu quốc hội mà có dưới 500 ứng cử viên đạt dưới 50% tín nhiệm tại hội nghị cử tri thì lấy đâu ra để bầu cho đủ 500 đại biểu?
Những người làm công việc tổ chức bầu cử không hiểu về việc này. Vì thế, họ tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt tuyên truyền xấu về ứng cử viên, đe dọa làm dân sợ hãi sao cho những ứng cử viên đối lập có tỉ lệ tín nhiệm thấp nhất. Và khi đạt dưới 50 % tín nhiệm rồi thì họ coi như đã thành công, đến vòng hiếp thương tiếp theo đương nhiên gạt ra mà không cần bàn luận.
4.Không hồi âm kết quả ứng cử
Chúng tôi, những ứng cử viên đối lập đã nộp hồ sơ tới Ủy ban bầu cử tỉnh, thành phố, có biên nhận hẳn hoi. Có nhận hồ sơ thì phải có báo kết quả. Thế nhưng cho đến lúc này, không ai nhận được bất cứ một văn bản nào về việc kết quả hội nghị cử tri, kết quả hiệp thương, có trong danh sách bầu ở khu vực bầu cử nào hoặc chấm dứt việc ứng cử với lý do ra sao. Điều này thể hiện tính rất thiếu minh bạch trong quá trình bầu cử, thể hiện lối làm việc tùy tiện, mông muội, không chuyên nghiệp.
5.Tiếp xúc cử tri chỉ là hình thức
Chỉ còn 1 ngày nữa là đến ngày bầu cử. Không hiểu các ứng cử viên tiếp xúc với cử tri khi nào mà rất nhiều người trong đó có tôi không hề biết ai trong các danh sách sẽ phải bầu. Cử tri nào được tiếp xúc với ứng cử viên? Ai chỉ định? Ai bầu ra những đại diện cử tri ấy? Những cử tri được nhà cầm quyền chỉ định có đại diện được cho các cử tri khác không?
6.Thông tin mới nhất
Có rất nhiều bài viết vạch ra sự giả dối trong kỳ bầu cử quốc hội lần này. Có rất nhiều kiến nghị, tố cáo trong quá trình tổ chức bầu cử, ứng cử. Riêng tôi đã viết 13 bài về vấn đề này. Tôi chỉ nêu thêm một sự việc mới nhất:
Khi rà soát anh sách cử tri, gia đình tôi đã đăng ký đủ 4 người có trong sổ hộ khẩu.
Khi phát thẻ cử tri, chỉ có 3, không có thẻ của con trai tôi.
Chúng tôi hỏi thì trả lời: Con cô ở… Tây về yêu cầu nó mang sổ hộ khẩu vào xã trình diện thì mới được cấp thẻ cử tri (họ tưởng Philippine là Tây).
Chẳng nói thì ai cũng biết qui định quái đản này do xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội tự đặt ra. Mà tại sao khi con tôi đi thì biết, nhưng khi về lại coi như không biết.
Họ làm như thể cử tri quí giá lắm. Họ không thấy bao nhiêu người đã vạch vào thẻ cử tri, xé thẻ, tuyên bố tẩy chay đó sao? Chắc gì 3 thẻ cấp cho nhà tôi chúng tôi đã dùng tới? hoặc dùng như thế nào?
Trong khi đang đang cổ động nhân dân đi bầu cử, xã Vĩnh Quỳnh lại giở trò không cấp thẻ cử tri cho công dân mà không có cơ sở pháp luật. Đây là thủ đoạn cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, phạm tội theo điều 160: “Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân”
7.Kết luận: Trong bài viết và trong 13 bài viết trước đây, tôi sử dụng các căn cứ pháp luật để phân tích những sai trái, và đặt ra những yêu cầu để hạn chế vi phạm dân chủ trong bầu cử. Điều đó không có nghĩa là tôi chấp nhận pháp luật hiện hành. Những phân tích đó đã chứng minh rằng:
- Bầu cử ở Việt Nam chỉ là một vở diễn, không có dân chủ ở đây. Họ tìm đủ mọi cách dù trơ trẽn nhất để có được một quốc hội theo ý của đảng CSVN. Cái gọi là quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp không đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân mà chỉ là công cụ của đảng CSVN.
- Thành phần tham gia tổ chức bầu cử rất non kém trong việc xây dựng các văn bản pháp luật, non kém trong việc hiểu pháp luật.
- Họ rất gian manh, thủ đoạn, khi tinh vi, khi trắng trợn và sẵn sàng ngồi lên pháp luât mà họ đặt ra miễn sao đạt được mục đích.
- Và khi bí quá, họ sẵn sàng cởi bỏ lớp y phục bên ngoài, không cần che đậy.
20/5/2016
NTT
Nơi tôi ở có nhiều người không được cấp thẻ cử tri, có người không thèm quan tâm, nhưng cũng có người đến ngày bầu cử mới tới điểm bỏ phiếu hỏi thì không được cấp. Tôi còn biết nhiều địa phương khác cũng tương tự. Phải nói họ làm ăn rất cẩu thả. Ngoài ra nhiều người không biết chọn ai nên nhờ người gạch giùm, mà người được nhờ này thực ra cũng chẳng hiểu biết gì cho cam.
Trả lờiXóaCòn bầu cử năm 2011, khi đến bỏ phiếu tôi nghe người trong tổ bầu cử hướng dẫn bà con rằng số đại biểu cử tri chọn bầu phải bằng số đại biểu cần bầu. Tôi có góp ý rằng cử tri có thể chọn tối thiểu 1 người và tối đa bằng số cần bầu, nhưng anh này không chấp nhận. Như vậy thử hỏi bầu cử làm gì có chất lượng.