Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

‘Cướp chính quyền’ và bài thơ duy nhất của Tố Hữu

Phùng Hoài Ngọc
(VNTB) - Tham vọng của con người dở thơ dở chính trị dai dẳng thật ! Gần cả đời ông ta tung hoành múa bút trên đầu dân tộc và vung vẩy lệnh bắt trên cổ đồng nghiệp văn thi hữu. Nay lạng choạng rơi tự do, Tố Hữu bật lên tiếng thơ ai oán, thảng thốt “Mới bình minh đó đã hoàng hôn”…

Sự kiện “Cướp chính quyền tháng 8/1945” không mấy tác động đến văn nghệ sĩ.
Lịch sử văn học nghệ thuật hiện đại Việt Nam không có tác phẩm nào hoành tráng về sự kiện “LONG TRỜI LỞ ĐẤT” ấy. Chúng tỏ rằng, “sự kiện” ấy cũng nho nhỏ thôi (Không đáng kể vài chục năm sau mới có một vài bộ phim, tiểu thuyết đặt hàng phụ họa nhợt nhạt thiếu máu, như Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi và bộ phim nhựa Sao tháng Tám).
Sự kiện 1945 không được miêu tả, tái hiện như một biến cố mang tầm vóc sử thi.
Thì ra, văn học nghệ thuật nhìn chung vẫn có sự trung thực tương đối đối với lịch sử.
Đối diện sự kiện tháng Tám 1945, văn nghệ sĩ chỉ bất ngờ, ngơ ngác và im lặng. Tâm trạng của văn nghệ sĩ là “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”(Kiều).
Ngơ ngác vì “mặt trận Việt Minh” là ai thì không ai biết. Một cuộc mít tinh của chính phủ Đế quốc Việt Nam độc lập của thủ tướng Trần Trọng Kim đang diễn ra ở Nhà hát lớn Hà Nội thì bỗng có người đeo khẩu súng ngắn với một toán du kích bảo vệ nhảy lên cướp diễn đàn.
Khi tình trạng đất nước quân hồi vô phèng mất kiểm soát vì hậu quả Thế chiến II thì dân chúng rủ nhau đi cướp phá kho bãi.
Sự kiện “long trời” lở đất” vẻn vẹn chỉ có thế thôi.
Chỉ có một người duy nhất lập tức cất tiếng ca tụng sự kiện, đó là anh chủ tịch UB Kháng chiến Thừa Thiên Huế, tên là Nguyễn Kim Thành bút danh Tố Hữu, với bài thơ “Huế tháng Tám” trình làng.
Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là cơn-điên-quyền- lực đã nắm về tay sau một buổi cướp diễn đàn-cướp chính quyền:
Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!
Nước mắt ta trào, húp mí, tràn môi
Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc!
Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc
Hả hê chưa, ai bịt được mồm ta?
Ta hét huyên thiên, ta chạy khắp nhà
Ai dám cấm ta say, say thần thánh?

Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hoá mặt trời
Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi
Ha! Nó hót cái gì vui vui nghe thiệt ngộ .
(…)
Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác
Ôi thiên đường! Tai miên man lắng nhạc
Từ muôn phương theo gót nện rầm rầm
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm!
(1945)
Tố Hữu tưởng tượng ra một viễn cảnh tương lai, từ gợi ý sâu xa của học thuyết Mác-Lê, anh ta phát điên và gào lên theo thể thơ Mới.
Cơn điên quyền lực sẽ dần dần biến thành hành động cầm quyền điên loạn của Tố Hữu
Nhiều năm sau đó, vẫn chỉ một bài thơ cô độc của Tố Hữu về sự kiện tháng Tám 1945.
Hình ảnh “thiên đường” theo suốt đời thơ Tố Hữu như một cái kén bọc lấy một con sâu.
Mãi hai chục năm sau mới có một cây bút phụ họa cho Tố Hữu khỏi cô đơn.
Đó là Chế Lan Viên.
Đầu năm 1965, hai chục năm trôi qua rồi, cảm xúc tháng Tám cơ hồ đã nguội ngắt, Chế Lan Viên mới viết được câu thơ khéo gọt giũa về “CM tháng Tám”:
Rồng năm móng vua quan thành bụi đất
Mỗi câu thơ còn dội tiếng ta cười
(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?- kỷ niệm Đảng 1965)
Chế Lan Viên khéo khoa trương, lộng ngôn ngoa ngữ, được giới phê bình ca tụng là “thơ trí tuệ”.
Trí tuệ Chế Lan Viên đem cả lịch sử tổ tiên ra mỉa mai trong dòng thơ uốn éo, điêu trác:
Có phải cha ông đến sớm chăng và cháu con thì lại muộn?
Dẫu có bay giữa trăng sao cũng tiếc không được sống phút giây bây giờ
Buổi đất nước của Hùng Vương có Đảng,
Mỗi người dân đều được thấy Bác Hồ.
Ai ngờ, ngày nay hệ thống vua quan cộng sản trùng điệp bội phần chằng chịt hơn hẳn thời phong kiến. Số lượng vua quan ngày xưa chỉ có ít, từ trên xuống theo mô hình ba bậc Đế -Vương- Hầu thời Đông Chu. Nay rồng rắn tái sinh vô số, cao nhất là “vua tập thể” hơn chục vị. Một bộ trưởng hay một bí thư tỉnh đủ sức tạo ra một lãnh chúa riêng, một quốc gia thu nhỏ (ví như Bộ công thương với lãnh chúa Vũ Huy Hoàng có thể tung tác bổ nhiệm, xoay chuyển nhân sự, đến mức Ban Tổ chức trung ương cũng bị cuốn vào vòng xoay khiêu vũ của Vũ bộ trưởng. Đến nỗi, cả Tỉnh ủy Hậu Giang chẳng biết Trịnh Xuân Thanh là thằng cha căng chú kiết nào cũng nhận về làm phó chủ tịch. Tỉnh ủy cũng chẳng biết (có thể biết nhưng im lặng) khi từ trên TW ông Tô Huy Rứa ấn gã Thanh về tỉnh Nam bộ hầu giúp hắn toan chạy món nợ khủng ở thủ đô. Nếu Thanh không dở chứng chết với trò đổi biểnxe trắng lấy biển xanh thì bây giờ thiên hạ vẫn thái bình, Đảng vẫn anh minh. Cựu phó nữ hoàng Nguyễn Thị Doan lỡ miệng nói về lũ quan chức thời nay “họ ăn của dân không từ thứ gì”.
Hàng ngàn vạn “móng vuốt” PHONG KIẾN bọc nhung bấu vào da thịt NHÂN DÂN suốt hơn nửa thế kỷ qua. Núi xương sông máu, cỏ cây tàn hại, chất độc tràn mặt đất…
Cuộc đấu tố “Cải cách ruộng đất” long trời lở đất, đổ máu người giàu và làm tan rã đạo đức làng quê truyền thống. Những nhà tư sản dân tộc ở thành thị bị tịch thu nhà xưởng, tư liệu sản xuất bị quốc doanh hóa. Sản xuất công thương nghiệp đình trệ toàn diện ở miền Bắc. Cây kim, sợi chỉ, bao diêm phải mua phân phối hộ gia đình theo sổ sách… Mặc kệ cuộc sống gian khổ của nhân dân miền Bắc, những kẻ cùng đẳng cấp với Tố Hữu hàng ngày có Cửa hàng nhu yếu phẩm cao cấp phân phối theo SỔ RIÊNG cho gia đình từ bộ trưởng trở lên. Đó là cái Thiên đường mà Tố Hữu tưởng tượng chính xác vào cái ngày viết bài thơ Huế tháng Tám 1945… Mặt khác, Tố Hữu chỉ huy mạng lưới an ninh tư tưởng văn hóa triệt phá tàn bạo phong trào phản biện phản kháng của giới văn nghệ sĩ Nhân văn Giai phẩm. Tố Hữu và đồng bọn dùng bạo lực “chuyên chính vô sản” dập liễu vùi hoa tơi tả.
Trong khi Tố Hữu và đồng sự hưởng thụ thiên đường *[1] , nông dân bị dồn vào HTX, công nhân chen vào nhà máy xí nghiệp quốc doanh, tầng lớp “trí thức vô sản” chọn từ lý lịch bần cố nông và cựu binh được đi học Liên Xô, Trung Quốc về làm nòng cốt chính trị văn hoá, khoa học giáo dục. Từ 1964 đến1975 bao nhiêu hơi sức của nhân dân dồn vào cuộc Nội chiến Việt Nam và chống Mỹ đến sức tàn lực kiệt. Chiếm toàn vẹn lãnh thổ xong, đất nước chới với. Làm gì bây giờ, lãnh đạo xây dựng CNXH thế nào bây giờ ? Hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phiá Bắc đã “trả lễ” cho tình “hữu nghị cộng sản” bấy lâu. Lãi mẹ đẻ lãi con, hai quần đảo đem ra “cống nạp” vẫn chưa đủ cơn khát kẻ thù truyền kiếp bỗng hóa bạn vàng!
Từ đây món nợ “quốc tế cộng sản” sẽ còn kéo dài hậu quả, chưa biết bao giờ nước Việt mới trả xong, thực ra, bây giờ ĐẤT NƯỚC có nguy cơ vỡ nợ.
Nhìn lại hơn nửa thế kỷ, với bài thơ HUẾ THÁNG TÁM, Tố Hữu định hướng ca tụng cho văn nghệ sĩ. Tố Hữumớm ý tưởng cho hàng nghìn vạn bài thơ công- nông- binh và những tay thợ cầm bút khắp các sở, phòng, ban văn hóa thông tin… đến sinh viên đại học, ra sức làm những thơ “con cóc là cậu ông Trời”.
Ngông cuồng hơn, sau khi đã chán giữ các chức vụ bí thư trung ương Đảng, trưởng tuyên huấn, Hữu còn nhảy sang làm “phó thủ tướng kinh tế”. Đụng đến kinh tế là nơi thử thách rõ nét nhất. Cái chỗ yếu chết người của chủ nghĩa cộng sản bèn lộ ra. Tố Hữu ngã ngựa.
Năm 1986 Đại hội 6 bỏ phiếu xóa tên, Tố Hữu mới rụng hết “móng vuốt”.
Cơn- điên -quyền- lực đã nổ phụp như bong bóng vỡ tan trong lòng Tố Hữu.
Từ đây thơ mất hết lửa ! [2]*
Tố Hữu bàng hoàng, rơi vào cơn sốc nặng.
Những vần thơ mang tính người bình thường bây giờ mới bật ra thực sự từ trái tim “rỉ máu hận lý tưởng”[3]. Tham vọng của con người dở thơ dở chính trị dai dẳng thật ! Gần cả đời ông ta tung hoành múa bút trên đầu dân tộc và vung vẩy lệnh bắt trên cổ đồng nghiệp văn thi hữu. Nay lạng choạng rơi tự do, Tố Hữu bật lên tiếng thơ ai oán, thảng thốt “Mới bình minh đó đã hoàng hôn” (Một tiếng đờn). Ông ta cứ ngỡ rằng sự nghiệp của mình mãi mãi “bình minh” ! Một dân tộc yêu thơ đã tỉnh ngộ.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.


-----------------------------

[1] * “Ba con tôi đã ngủ lâu rồi / Miền Bắc thiên đường của các con tôi” (Bài ca Xuân 61)
[2] .* Đưa con gái cưng đi học CHDC Đức, cô ta mắc cỡ không về nước, ở lại làm giám đốc một Cty tư bản chủ nghĩa.
[3] * Tố Hữu than thở “Chẳng lẽ bây giờ miềng lại lên rừng lập đội du kích!” (Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)


VNTB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét