Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TÔI CŨNG TỪNG TIN TƯỞNG NHÀ NƯỚC, Y NHƯ CÁC BẠN…

Từ lúc vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng diễn ra đến giờ, tôi nhận được khá nhiều phản hồi theo kiểu “ai bảo xây nhà trái phép, bị đập bỏ là đúng rồi”, “cứ chấp hành đúng pháp luật thì ai làm gì đâu”, “cứ thấy chính quyền cưỡng chế là chửi chính quyền cướp đất”, “nghe cái lũ phản động xuyên tạc thì chết có ngày”…

Để giải thích về vấn đề đất đai cho những bạn có suy nghĩ như vậy thì sẽ mất khá nhiều câu chữ và thời gian, nên ở đây tôi chỉ xin kể cho các bạn nghe vài mẩu chuyện, và xin khẳng định với các bạn: Tôi cũng từng tin tưởng nhà nước, y như các bạn.

Là những người dân bình thường, chúng ta đều ngầm hiểu với nhau rằng nhà nước là thực thể đáng tin cậy nhất trong mọi nền kinh tế, doanh nghiệp hoặc cá nhân có thể lừa nhau chứ làm sao có chuyện nhà nước lừa dân. Nhưng khi một băng đảng mafia cướp được chính quyền và sau đó, giữ nguyên não trạng, tư duy mafia để thoả thuê phè phỡn trong quyền lực mà nó cướp được, thì tình hình khác hẳn đấy.

Tôi cũng từng tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, cho đến khi tôi biết những câu chuyện này.

HIẾN NHÀ VÀ CHO MƯỢN NHÀ

Năm 1954, bộ đội về thủ đô. Chính quyền ở Bắc Việt về tay những người cộng sản.

Họ không cướp nhà cướp đất của ai cả. Họ chỉ có những chỉ thị (văn bản và miệng), khuyến khích, đề nghị các hộ gia đình được coi là “tư sản”, “tiểu tư sản thành thị”, “công chức”… HIẾN NHÀ, hoặc cho Chính phủ mượn nhà, nếu có nhiều hơn một căn.

Gia đình ông Trịnh Văn Bô chẳng hạn, đã phải ký giấy cho Chính phủ mượn ngôi biệt thự rộng lớn mặt đường Hoàng Diệu (Hà Nội) trong hai năm, từ 1954 đến 1956. Thời hạn hai năm trôi qua, tình hình ra sao thì có lẽ nhiều người đã biết. Gần nửa thế kỷ sau, năm 2003, các con của bà Hoàng Thị Minh Hồ (quả phụ của ông Bô) phải “nhảy dù” vào nhà trong đêm, mới giành lại được căn biệt thự của cha mẹ họ để lại.

Nhiều hộ tư sản, tiểu tư sản thành thị, công chức khác cũng phải ký giấy tự nguyện hiến nhà cho Chính phủ. Tất nhiên, có những chủ hộ không muốn ký giấy; các trường hợp này được rỉ tai cho biết là con cái của họ sẽ không thể thi đại học, không thể vào Đảng, không thể vào biên chế Nhà nước… Vậy là họ tự hiểu. Nhà của họ nhanh chóng trở thành cơ quan, công sở, hoặc nhà của cán bộ: Chính quyền mới cho các gia đình công an, quân đội vào ở cùng họ, ngôi nhà của họ bị chia năm xẻ bảy thành nhiều căn.

Hàng chục năm trôi qua và nhiều thế hệ chen chúc trong những ngôi nhà bị chia năm xẻ bảy cũng đã quen với cuộc sống chịu đựng, đã toả đi nhiều nơi khác sinh sống. Niềm hy vọng đòi lại nhà của ông bà, cha mẹ đã tắt hẳn, vì vật đổi sao dời, giấy tờ thất lạc, lại trải qua nhiều đời quan chức. Thậm chí, bây giờ nếu có ai nhắc đến chuyện đòi nhà, đa số mọi người xung quanh sẽ thở dài mà gạt đi: “Thôi, phức tạp lắm. Chuyện qua rồi”.

TỰ HẠ LƯƠNG

Cũng những công chức Hà Nội, trước năm 1954, làm việc trong chính quyền Pháp thuộc. Họ chỉ là người làm hành chính, ăn lương nhà nước, tuy thế, cũng giống như miền Nam “phồn vinh giả tạo dưới thời Mỹ-nguỵ”, lương của họ trong chế độ tạm chiếm khá cao, đủ cho họ và gia đình sống dư dả.

Cách mạng vào. Một đợt vận động vừa công khai, vừa ngấm ngầm diễn ra. Hàng loạt công chức “biết điều”, gửi đơn lên cụ Chủ tịch nước, thưa rằng (đại ý): “Lương tôi đang là 350 đồng. Nay thấy cụ làm việc đêm ngày, tận tuỵ vì dân vì nước mà lương chỉ 50 đồng, chúng tôi xin được tự nguyện hạ mức lương xuống 40-45-50 để được góp một phần công sức vào sự nghiệp chung…”.

Và cũng từ dạo ấy, câu cửa miệng của mỗi người Hà Nội phải là “ơn Đảng, Chính phủ”.

- Ơn Đảng, Chính phủ, lọ nước mắm này bao nhiêu?
- Ơn Đảng, Chính phủ, 5 hào ạ.

Cái mẫu câu ấy phải mấy năm sau mới hết được dùng.

CHỈ LÀ “MỜI LÀM VIỆC” THÔI

Long Xuyên, năm 1978. Cũng là một mảnh đất vàng mà chính quyền địa phương để mắt đã lâu. Giải pháp thật đơn giản: Mời từng chủ đất lên làm việc. Chỉ là làm việc thôi, tuyệt đối không phải là bắt bớ giam cầm gì.

Các chủ đất sẽ phải “làm việc” cả ngày, ăn ngủ tại đồn, đêm ngủ lại. Vợ con mang mền, chiếu đến cho. Sáng hôm sau lại “làm việc” tiếp. Cứ suốt hai tuần như thế. Trong hai tuần ấy, chính quyền địa phương cho triển khai trồng lúa trên mảnh đất vàng nọ. Lúa nhú lên thì họ thả các chủ đất về, khi ấy mảnh đồng kia đã không còn là của dân nữa mà trở thành ruộng lúa của nhà nước rồi.

* * *

Đó, nhà nước của dân, do dân, vì dân là thế. Đâu có cướp nhà của dân đâu mà là dân tự hiến. Đâu có hạ lương công chức nào đâu mà là họ tự xin hạ. Đâu có bắt bớ ai đâu mà là mời làm việc.

Trở lại khu vườn rau Lộc Hưng, nơi hàng chục hộ xây nhà trái phép và cho thuê trọ trái phép, không đăng ký tạm trú tạm vắng cho khách. Vấn đề là suốt thời gian trước đó, các chủ hộ xin giấy phép, xin làm thủ tục đăng ký tạm trú tạm vắng cho khách trọ cũng đâu được. Chính quyền địa phương kiên quyết không cấp cho họ một mảnh giấy nào có thể khiến họ hợp thức hoá miếng đất hay căn nhà của mình. Giấy phép là do nhà nước cấp, nhà nước không cấp thì đương nhiên là dân trở thành kẻ phạm pháp thôi mà, có gì đâu. Quy trình quá đơn giản.

Và ngay cả với người viết bài này cũng vậy: An ninh TP.HCM và Bộ Công an bắt tôi về đồn, móc ví lấy kỳ hết giấy tờ (cả chứng minh thư), tiền mặt. Từ đây, bất kỳ lúc nào “người nhà nước” cũng có thể đè tôi ra phạt tiền vì tội không mang giấy tờ tuỳ thân. Nếu không có ai bảo lãnh, thậm chí họ có thể “gửi” tôi vào trung tâm bảo trợ xã hội hoặc… trại phục hồi nhân phẩm cũng nên.

Bạn hỏi “bằng chứng đâu”, tôi sẽ buộc phải nói rằng tôi chẳng có bằng chứng gì cả, và kể cả có bằng chứng thì cũng không có ý nghĩa gì, khi luật pháp nằm trong tay một băng đảng cầm quyền táng tận lương tâm, sẵn sàng làm mọi thứ để được lợi cho mình. Việc ra luật, diễn giải luật, thi hành luật, đều do băng đảng ấy và tay chân của chúng thực hiện cả.

Vậy nên tin hay không, tuỳ bạn. Nhưng hãy nhớ rằng, khi có điều bất công xảy ra mà bạn im lặng, tức là bạn đã đứng về phía kẻ áp bức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét