Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

Giáo sư Phạm Hồng Tung đã thiếu văn hóa phản biện

Nguyễn Hồng Phúc

VNTB- “Sau khi Vietnam.net [*] đăng bài trả lời phỏng vấn của tôi, có một số người không hiểu rõ hoặc cố tình không hiểu chủ ý của tôi nên đã có những thắc mắc. Nhân đó, một số kẻ lưu manh như Nguyễn Như Phong, An Chi, Ngô Nguyệt Hữu đã kích động để nhiều người a dua, có những phát ngôn thiếu văn hóa”.





Giáo sư Sử học Phạm Hồng Tung, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đã viết như trên trong phần mở đầu của một bài viết rất dài đăng trên tài khoản facebook của ông: https://www.facebook.com/tuky.pham.18/posts/371451366981891
“Một số kẻ lưu manh” mà giáo sư Phạm Hồng Tung xướng tên, có hai nhà báo là cựu tổng biên tập báo Năng lượng mới - đại tá an ninh Nguyễn Như Phong (ông cũng từng giữ chức phó tổng biên tập báo Công an nhân dân), nguyên phóng viên tờ An Ninh Thế giới - Ngô Nguyệt Hữu. Ông An Chi là một học giả, từng giữ mục “Chuyện Đông, chuyện Tây” nổi tiếng một thời trên tạp chí Kiến thức Ngày nay (Hội Nhà văn TP.HCM). 

Nhóm nhà báo Thanh Hùng – Thúy Nga của Vietnamnet trích băng phỏng vấn với sự tôn trọng lời phát biểu của giáo sư Phạm Hồng Tung, để diễn giải thành văn viết ở đoạn cuối bài phỏng vấn, rằng: “Tôi nghĩ cuộc chiến tranh năm 1979 đã lùi xa 40 năm. Bây giờ chính là lúc giới sử học của hai nước nên ngồi lại, thảo luận những nguyên tắc cơ bản để dạy về những vấn đề liên quan đến lịch sử hai nước”.

Chính đề nghị “giới sử học của hai nước nên ngồi lại, thảo luận những nguyên tắc cơ bản để dạy về những vấn đề liên quan đến lịch sử hai nước” của giáo sư Phạm Hồng Tung đã tạo nên luồng phản đối mạnh mẽ của nhiều nhà giáo, nhà báo trên các diễn đàn xã hội. 

Trong bài phỏng vấn, còn có những câu phát biểu mà nếu đặt vào cái nhìn toàn diện của buổi phỏng vấn được ghi hình này, cho thấy khi diễn đạt trên cương vị là Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, giáo sư Phạm Hồng Tung đã lúng túng, thậm chí mâu thuẫn.

“Thứ tư, quán triệt nguyên tắc khách quan, trung thực, trong giảng dạy, học tập, biên soạn sách giáo khoa và tài liệu tham khảo khác cần tránh che giấu sự thật, xuyên tạc và bóp méo sự thật lịch sử.
Khép lại quá khứ không có nghĩa là lảng tránh hay nói sai về quá khứ. Làm như vậy chỉ khiến cho nhận thức lịch sử trở nên tồi tệ hơn mà thôi.

Thứ năm, cần tuyệt đối tránh các ngôn từ, hình ảnh, lối trình bày mang tính gây hấn, biểu cảm, miệt thị. Các ngôn từ biểu cảm, miệt thị, như “chúng”, “quân địch”, “giặc”, “dã man”, “tàn bạo”, “khát máu” … không hề giúp cho các lập luận, phân tích, đánh giá gia tăng tính thuyết phục, trái lại, làm bộc lộ rõ thái độ định kiến, áp đặt, phiến diện, thiếu khách quan và do đó, thiếu tính thuyết phục”.
Giáo sư Phạm Hồng Tung đã có đoạn trả lời như vậy trước câu hỏi của hai nhà báo: “Bị hạn chế về dung lượng lẫn thời lượng, theo ông giáo viên cần phải giảng dạy như thế nào để học sinh vẫn hiểu sâu, nhận thức đúng?”.

Trước khi đi làm báo, người viết bài này từng là giáo viên môn văn. Nếu ‘quán triệt’ như lời yêu cầu của giáo sư Phạm Hồng Tung, sẽ thật sự làm khó cho người thầy đứng trên bục giảng, khi nói về văn học sử trong giai đoạn 1977 – 1988, lại không được gọi lính Trung Quốc tàn sát trẻ em, phụ nữ Việt Nam là “giặc”; và hành động mổ bụng phụ nữ, xé toạt trẻ em của lính Trung Quốc tại các tỉnh biên giới Việt Nam ở 40 năm về trước, nếu không diễn tả bằng từ “dã man”, “tàn bạo”, “khát máu” thì phải thay bằng những từ ngữ gì?. 

Rồi những người lính hải quân Việt Nam đã ngã xuống trước đạn pháo của ‘những đồng chí’ Trung Quốc trong cuộc thảm sát Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào 14-3-1988, phải mô tả đây là hành động ra sao của ‘ông bạn 16 vàng – 4 tốt’?

Trong bài tham luận trình bày tại hội thảo khoa học quốc gia ‘Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - 40 năm nhìn lại’, do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 15-2-2019, giáo sư Phạm Hồng Tung đã lý giải về đề xuất giới sử học của hai nước nên ngồi lại, thảo luận những nguyên tắc cơ bản để dạy về những vấn đề liên quan đến lịch sử hai nước, rằng: “Các nhà giáo dục và sử học Đức và Pháp đã nêu một tấm gương mà giới sử học và giáo dục học Việt Nam và Trung Quốc rất nên tham khảo. 

Những nỗ lực hòa giải đầu tiên của họ đã bắt đầu được xúc tiến từ ngay sau Chiến tranh thế giới I, trải qua rất nhiều thăng trầm, thất bại, phải tới tận năm 2006, tập sách giáo khoa lịch sử chung đầu tiên mới ra đời, được sử dụng cho nhà trường phổ thông ở cả Đức và Pháp. Đến nay đã có thêm nhiều tập sách giáo khoa chung như vậy được xuất bản và sử dụng”.

Giáo sư Phạm Hồng Tung đưa ra là một đề xuất mang tính không tưởng. Viện dẫn câu chuyện Chiến tranh thế giới I cho việc cùng ‘ngồi bên nhau’ để soạn bộ Sử chung về vấn đề chiến tranh biên giới trên đất liền và lãnh hải Việt Nam do chính Trung Quốc gây hấn, khi mà đến nay Bắc Kinh vẫn tự tin rêu rao rằng họ đã chiến thắng, và tiếp tục cho mình cái quyền cưỡng chiếm tiếp những đảo và phần lãnh hải Việt Nam, thì lúc bộ Sử đó phát hành cũng đồng nghĩa đặt dấu chấm hết cho việc Hà Nội ‘quy phục thiên triều’ (!?)

Là nhà khoa học, giáo sư Phạm Hồng Tung tất hiểu rõ rằng không thể so sánh khi nó không cùng đại lượng, giữa cuộc chiến tranh toàn cầu được gọi là Thế chiến diễn ra chỉ trong vài năm, so với cuộc xâm lược thôn tính đất đai suốt cả ngàn năm qua mà Trung Quốc luôn muốn tái diễn Bắc thuộc Việt Nam.

Hơn nữa, sau Thế chiến II, về cơ bản Pháp và Đức không còn tranh chấp lãnh thổ. Các nhà chính trị và chính phủ hai nước cơ bản giải quyết ổn thỏa những vấn đề liên quan đến các vùng Alsace và Lorraine, vốn được coi là cái gai trong lịch sử quan hệ hai nước, và nhiều khía cạnh khác liên quan đến chiến phí. Vì thế, các nhà khoa học mới ngồi lại được với nhau để ‘giải độc lịch sử’.

Việc trao cho giáo sư Phạm Hồng Tung chức vụ Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, là điều cần phải xem xét lại.

+ Chú thích:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét