Đây là thắng lợi rất quan trọng của xã hội dân sự. Đồng thời, khẳng định vai trò, vị trí của Xã hội dân sự VN trên quốc tế.
==========
Minh Quân
==========
Minh Quân
(VNTB) - Ba tuần sau bản kiến nghị khẩn cấp của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (Human Right Watch) cùng 17 tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài Việt Nam gửi đến Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu và các cơ quan liên quan, yêu cầu EU hoãn thông qua EVFTA vì chính quyền Việt Nam đã không làm bất cứ điều gì để cải thiện nhân quyền, đã có một xác nhận chính thức và mang tính bằng chứng về việc bản kiến nghị này đã có tác dụng đáng kể.
Ngày 12 tháng 2 năm 2019, Văn phòng Chủ tịch Hội đồng châu Âu - cơ quan chính trị cao nhất EU- đã gửi một văn bản mang số SGS19/001167, ký bởi một viên chức có trách nhiệm truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đến 17 tổ chức xã hội dân sự độc lập Việt Nam, phúc đáp bản kiến nghị ngày 18/1/2019 của khối xã hội dân sự độc lập phản ứng tình trạng chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng và đề nghị hoãn phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA).
Văn bản trên nhấn mạnh: “Các vấn đề nhân quyền vẫn liên tục được EU nêu ra với Việt Nam, kể cả ở cấp cao nhất. Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam tới đây cũng là một dịp để chúng tôi tiếp tục việc này, và sẽ đề cập đến khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đối với quyền tự do biểu đạt, tự do hiệp hội, tự do tụ tập, tự do tôn giáo tín ngưỡng, và trường hợp của cá nhân những nhà hoạt động nhân quyền”.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng cho biết nhà nước Việt Nam “đã nhiều lần nhắc lại cam kết thúc đẩy tiến bộ nhanh chóng” trong lĩnh vực liên quan đến quyền lao động, và “EU chắc chắn sẽ theo dõi sát sao bất kỳ diễn tiến nào trong lĩnh vực này”.
Cuối thư, Hội đồng châu Âu xác quyết việc họ ủng hộ các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam tiếp tục nỗ lực đấu tranh để bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trong nước.
Văn bản của Văn phòng Chủ tịch Hội đồng châu Âu gửi cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế và 17 tổ chức xã hội dân sự độc lập, trong đó có, Hội Bầu Bí Tương Thân, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, Hội Nhà báo Độc lập, Defend the Defenders, Văn phòng Công lý và Hòa bình, Luật Khoa tạp chí, Nhật Ký Yêu Nước và một số tổ chức tôn giáo khác.
Trước đó vào ngày 21/01/2019, Đại diện Liên minh châu Âu (EU) đã đề cập với phái đoàn VN tại LHQ về việc hoãn lại Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam vì EU yêu cầu Việt Nam cải thiện về nhân quyền nhưng không được Việt Nam đáp ứng.
Sau đây là bản dịch từ bản nghi chép từ Video về nội dung mà đại diện EU đề cập với phái đoàn VN tại LHQ ngày 21/01/2019:
– Mối quan hệ với VN cực kì quan trọng đối với chúng tôi, và bản Hiệp định thương mại sắp tới là 1 tín hiệu tốt. Chúng tôi muốn thương mại công bằng, Nhân quyền và các chương bền vững phải được tuân thủ trong các bản thỏa thuận đó.
– Nhưng vẫn có những trở ngại lớn – đó là tình huống về Nhân quyền. Tôn trọng nhân quyền là giá trị cốt lõi của EU và nó là dòng chảy liên tục trong tất cả các mối quan hệ thương mại của chúng tôi.
– Tự do Tôn giáo không được tôn trong, ví dụ như Sư thầy Thích Quảng Độ 90 tuổi vẫn bị giam lỏng.
– Tình hình của VN rất là quan ngại. Riêng tháng này, luật An ninh mạng đi vào hiệu lực đưa ra những quy định khiến giới hạn hơn nữa quyền tự do phát biểu. RFA hãng thông tin độc lập đưa tin về việc thu hồi đất quy mô lớn diễn ra ở TPHCM. Và vẫn có hơn 100 tù nhân chính trị còn trong tù hay bị giam lỏng khi họ thực quyền căn bản của mình.
– Trong suốt buổi tranh luận, chúng tôi đã yêu cầu VN cải thiện nhưng không có phản hồi thích đáng. Ủy viên Maelstrom đang hết sức thuyết phục VN tham gia và đi đúng hướng.
– Hiện thời, Hội đồng liên minh Âu châu đã hoãn lại sự phê chuẩn bản hiệp định thương mại EU-VN, đáng lẽ diễn ra vào tháng tới, cho rằng với lý do kỹ thuật. Nhưng chúng tôi đã tự hỏi mình: Việc trì hoãn này có thể xảy ra không nếu phía VN đã thúc đẩy cải thiện vấn đề nhân quyền?
– Sự trì hoãn này mở ra cơ hội xem xét tình hình 1 cách nghiêm túc và đạt được nền tảng nhằm đạt được sự đồng thuận rộng rãi đối với bản Hiệp định ở Nghị viện Châu Âu.
– Nếu mọi thứ còn tồn đọng không được thay đổi thì khó mà đạt được sự phê chuẩn Hiệp định trong nhiệm kỳ Quốc hội EU kế tiếp.
(Bản dịch của Ann Đỗ)
Gần đây, Đảng Xanh (Bündnis 90 / Grünen) - một trong những chính đảng chiếm vai trò quan trọng trong Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức - vừa phát ra một ‘tối hậu thư’ liên quan đến số phận chơi vơi của EVFTA. Đảng Xanh đã đưa ra kiến nghị trước Quốc hội Liên bang Đức yêu cầu đàm phán lại EVFTA và từ chối Hiệp định bảo vệ đầu tư (Hiệp định Bảo hộ đầu tư được tách ra từ Hiệp định EVFTA trước đây, thành một hiệp định riêng), vì tình hình nhân quyền ở Việt Nam vô cùng đáng lo ngại.
Trong số 3 khuyến nghị của đảng Xanh, khuyến nghị thứ ba trùng khớp rất cao về nội dung với một bản yêu cầu khẩn cấp của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (Human Right Watch) gửi đến Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu và các cơ quan liên quan, kèm theo chữ ký của 17 tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài Việt Nam; cũng trùng khớp cao với nội dung mà bản nghị quyết về nhân quyền của Nghị viện châu Âu phát ra vào giữa tháng 11 năm 2018 đối với Việt Nam.
Khuyến nghị thứ ba của đảng Xanh yêu cầu Quốc hội Liên bang yêu cầu Chính phủ Liên bang tác động:
· Việt Nam phê chuẩn và thực hiện các Công ước ILO số 87, 98 và 105.
· để tất cả những người bảo vệ nhân quyền mà đang bị cầm tù hoặc quản chế tại gia được trả tự do (đặc biệt là những người được nêu tên trong tuyên bố của 32 nghị sĩ Quốc hội châu Âu vào ngày 17/9/2018).
· Chính phủ Việt Nam công nhận các công đoàn độc lập.
· một lệnh hoãn thi hành hình phạt tử hình được đưa ra".
Nguyễn Anh Tuấn - một nhà hoạt động nhân quyền có nhiều kinh nghiệm quốc tế vận cho biết trước đây EU thường chỉ trả lời thư kiến nghị của những tổ chức xã hội dân sự bằng hình thức thư ghi nhận ý kiến và cám ơn. Nhưng văn bản của EU gửi các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam vào ngày 12/2/2019 là một trường hợp đặc biệt vì đó không phải là một bức thư cám ơn, mà là một văn bản mang tính thông báo tình hình và thể hiện thái độ tôn trọng hơn hẳn với giới hoạt động nhân quyền ở Việt Nam. Một văn bản hành chính mà EU thường sử dụng để làm việc với các đối tác, và trong trường hợp này, đó là sự công nhận mặc nhiên của EU đối với vị thế chính trị - xã hội của các tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam, bất chấp chính quyền Việt Nam chưa từng thừa nhận cũng như đã cố tình quên lãng quyền tự do lập hội được quy định bởi hiến pháp 1992.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét