Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

Tại sao tỉnh ủy Đắk Lắk không công khai hồ sơ đảng viên Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả)?

NGUYỄN TƯỜNG THỤY


Bà Nguyễn Thị Minh Hiếu – Bí thư Đảng ủy phường 6 (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng, nơi gia đình bà Ái Sa sinh sống) thông tin những nội dung liên quan đến việc xác minh lý lịch Đảng. Ảnh Dân trí
.
Việc một cô gái trình độ văn hóa chỉ có cấp 1 đội hồ sơ của người khác mà học lên đến thạc sĩ, và leo lên đến trường phòng là chuyện vô cùng hy hữu. Nếu không có đơn tố cáo thì có lẽ cô ta cứ thế mà lên đến quan tỉnh, quan trung ương chưa biết chừng.
Chính vì hy hữu nên việc điều tra lại dễ dàng, chứ không phức tạp như những vụ án tham nhũng, giết người...
Vụ Trần Ngọc Ái Sa giả, người một đằng, hồ sơ một nẻo, điều tra lại càng đơn giản. Nếu có lằng nhằng, rắc rối là do người ta làm rắc rối ra mà thôi.
Báo chí đều nhận xét, Sa giả “sở hữu một nhan sắc vô cùng xinh đẹp”, hẳn là ngầm giải thích cho cái sự leo lên nhanh “như diều gặp gió” của cô. Thật là mai mỉa.
Từ hôm 4/10 đến nay, mỗi ngày đều có thêm thông tin mới về cô và thêm cả những thông tin cải chính những tin đã đưa nhưng không chính xác. Có vẻ như người ta đang giấu giếm, loanh quanh những điều gì đó làm thông tin rối loạn lên, gây khó khăn cho việc xác minh đâu là sự thật.
Xin tổng hợp lại những tin mới và tin cải chính như sau:
- Về tên thật của cô: Từ thông báo ban đầu của Văn phòng Tỉnh ủy  Đắk Lắk, tên thật của cô là Trần Thị Ngọc Thảo, nhưng sau đó lại là Trần Thị Ngọc Thêm. Trong hồ sơ của Trần Thị Ngọc Ái Sa có nội dung nhắc đến người em gái của cô làm việc ở Tỉnh ủy Đắk Lắk tên là Trần Thị Ngọc Thêm.
- Ban đầu thông tin cô có trình độ văn hóa cấp 2. Nhà báo Trương Châu Hữu Danh đã xác minh lại và xin đính chính” cô chỉ có văn hóa cấp 1.
- Cũng theo nhà  báo này thì “theo tàng thư căn cước thì số CMND của Ái Sa Lâm Đồng và Ái Sa Đăk Lăk cùng số, nhưng khác dấu vân tay. Ái Sa Đăk Lăk có hộ chiếu riêng và thường đi nước ngoài”.
- Trần Thị  Ngọc Thêm (Sa giả) có bố chồng là ông L.V.K (báo Tiền Phong ban đầu viết là Lê Văn Khải nhưng sau đó sửa lại) từng giữ chức Phó ban tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk. Ông này đã nghỉ hưu nhưng không thấy nói nghỉ từ năm nào. Rất có thể khi nhận Thêm vào làm việc ở tỉnh ủy Đắk Lắk, ông ta còn đương chức. Đây cũng là một nghi vấn những ai đã bao che và nâng đỡ Sa giả.
Chồng Thêm là L.T.S (cũng báo Tiền Phong viết là Lê Thanh Sơn nhưng sau đó sửa lại) là đảng viên, hiện giữ chức Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH MTV XNK 2/9. Công ty này là doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy, 100% vốn Nhà nước.
- Thêm lấy chồng năm 1997. Tất nhiên lúc này, Thêm chưa nảy ra ý định dùng bằng cấp 3 của chị nên Thêm mang tên thật, đăng ký kết hôn phải là tên thật.
Năm 1999 Thêm xin vào cơ quan chồng là Xí nghiệp chế biến Cà phê, thuộc Công ty XNK cà phê 2-9 Đắk Lắk. Năm 2002, Thêm làm kế toán trưởng khách sạn Bạch Mã. Năm 2005 phụ trách kế toán rồi làm làm kế toán trưởng Nhà khách Tỉnh ủy. Năm 2011 cho đến khi sự việc bại lộ, Thêm công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, lần lượt giữ các chức vụ: Nhân viên kế toán, phó trưởng phòng rồi trưởng phòng quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Vậy, khi chuyển tên Trần Thị Ngọc Thêm thành Trần Thị Ngọc Ái Sa vào thời điểm nào? Trách nhiệm này là thuộc về cơ quan Thêm công tác vào thời điểm đổi tên. Đó là cơ quan nào trong những cơ quan Thêm đã làm việc? Đây là việc cần làm rõ. Ngoài ra người phải chịu trách nhiệm này chắc chắn phải có chồng Thêm, vì chồng Thêm không thể không biết tên thật của vợ mình, không thể không biết Trần Thị Ngọc Ái Sa là tên chị vợ. Tất nhiên bố chống Thêm cũng không phải không biết việc này.
*
Qua diễn giải trên đây thì việc điều tra cần tập trung vào các mắt xích:
- Thêm đổi tên vào thời điểm đang công tác ở cơ quan nào. Hay nói cách khác, cơ quan nào đồng lõa cho Thêm đổi tên?
- Cá nhân nào hoặc cơ quan công an nào làm giấy chứng minh nhân dân giả cho Thêm?
- Chồng và bố chồng Sa giả có biết hay không biết cô tên thật là Trần Thị Ngọc Thêm và trách nhiệm ra sao?
Đó là những mắt xích để lần ra trách nhiệm của cá nhân hay tổ chức trong vụ việc này. Nhưng điều mấu chốt là việc kết nạp đảng cho Sa giả bao gồm giới thiệu Sa giả vào đảng và khâu xác minh lý lịch. 
Về người giới thiệu:
Người giới thiệu Sa giả vào đảng là Trần Xuân Bảy, trưởng phòng kiêm Bí thư chi bộ Phòng Hành chính - Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy khi đó.
Ông Bảy hiện nay làm giám đốc Nhà khách Tỉnh ủy. Ông này bị bà Lê Thị Nhung, nhân viên thuộc quyền phát đơn tố cáo có hành động quấy rối tình dục, gửi nhiều tin nhắn gạ tình bà. Sau đó, ông Bảy ký quyết định cho bà này nghỉ việc nên ông ta bị kỷ luật. Với máu mê như vậy, nếu ông ta có nâng đỡ người đẹp Trần Thị Ngọc Thêm thì cũng là điều dễ hiểu.
Còn về việc thẩm tra lý lịch đảng của Sa giả:
Bà Nguyễn Thị Minh Hiếu, Bí thư Đảng ủy Phường 6, Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), nơi Sa giả sinh ra và lớn lên cho biết chi bộ báo cáo chưa từng xác minh lý lịch vào Đảng cho người nào là Trần Thị Ngọc Ái Sa. Ông Đoàn Ngọc Yên, làm Bí thư chi bộ tổ dân phố 17 từ năm 2004 cũng xác nhận như vậy.
Trong khi cấp ủy đảng địa phương gốc của Sa giả khẳng định như thế thì Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk là Nguyễn Thượng Hải “gợi ý” rằng có thể nữ bí thư mới lên lãnh đạo nên không nhớ được ai ký xác nhận!?
Nhưng ông Hải cần gì phải phỏng đoán. Ông hãy tung ra lý lịch thẩm tra của Sa giả. Nếu đúng là họ xác nhận vào lý lịch của Sa giả thì cấp ủy ở quê hương của Sa giả cứng họng ngay.
Tại sao Văn phòng tỉnh ủy Đắk Lắk không làm điều đơn giản nhất là lục hồ sơ Trần Thị Ái Sa (giả) ra công bố cho công luận được biết. Nó sẽ ra cho ra ngay kết quả. Lý lịch của Sa (giả) do địa phương gốc của cô xác nhận hay là được cấp ủy đảng nơi kết nạp cô tạo dựng?.
Hy vọng rằng hồ sơ đảng viên của Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) vẫn được lưu trữ bình thường như những hồ sơ đảng viên khác chứ không biến mất một cách khó hiểu.
Vụ này không chỉ là Trần Thị Ngọc Thêm đội hồ sơ giả để lừa dối cơ quan, tổ chức mà ghê gớm hơn là còn có nhiều kẻ đồng lõa.
 .
10/10/2019

1 nhận xét:

  1. Mọi người Thắc mác làm chỉ? Rất có thể người ta sử dụng nguồn vốn tự có để đầu tư tiến thân thì sao.1 vốn nghìn lời.

    Trả lờiXóa