(Tiếp theo và hết)
3. Bây giờ nhà cháu xin có ý kiến về thơ và luật thơ:
Luật thơ sinh ra trong quá trình làm thơ, được đúc kết và hoàn thiện dần dần. Thơ chúng ta đang bàn là thơ Đường luật chứ không phải thơ Đường. Thơ Đường là thơ làm trong thời kỳ nhà Đường (618 - 907) bên Trung Quốc, còn thơ Đường luật là thơ làm theo luật thơ Đường. Mặc dù vậy, Đường luật bây giờ đã khác nhiều so với thơ thời kỳ nhà Đường. Ngày xưa, các cụ nhà ta chủ yếu làm thơ Đường luật. Từ khi phong trào Thơ Mới ra đời, thơ Đường luật bị chỉ trích và lép vế rồi vắng bóng dần trên thi đàn. Gần đây, nhiều người yêu thích thơ Đường luật đã có nhiều cố gắng trong việc khôi phục, truyền bá thơ Đường luật. Từ ngày có Internet, việc phổ biến thơ Đường luật càng thuận lợi hơn. Có nhiều diễn đàn mở lớp học thơ Đường luật. Luật thơ Đường được hoàn thiện, nâng cao lên rất nhiều.
Về cơ bản, luật thơ (bảng luật, thi bệnh ...) đã có sự thống nhất. Tuy vậy giữa các trường phái vẫn có những quan điểm khác nhau.
Một trong những sự khác là luật bất luận
Có trường phái cho phép nhất tam ngũ bất luận, tức là ở vị trí thứ 1,3,5 của mỗi câu có thể tùy, không theo bảng luật cũng được
Có phái cho rằng chỉ nên nhất tam bất luận thôi.
Qua thực tế làm thơ nhà cháu đồng ý với ý kiến sau, có nghĩa là vị trí thứ 1, 3 có thể tùy ý chứ vị trí thứ 5 không nên thay đổi so với bảng luật. Các bác cứ mang bất kỳ bài nào ra đổi thử vị trí thứ 5 đi mà xem, nó sẽ ngang phè phè, còn ngang hơn là đổi vị trí thứ 6 nữa.
Vì luật bất luận mang tính nếu theo bảng luật được là tốt, không thì các vị trí ấy có thể dùng thanh khác(bằng hoặc trắc). Nghĩa là "có thể" thôi, tức là khi áp dụng luật bất luận nếu chữ nào đổi thanh theo bảng luật mà không ổn thì thôi.
Một điều nữa mà thi bệnh không nhắc đến là sự đảo vần. Thơ Đường luật thất ngôn bát cú thông thường có 5 câu vần (cũng có trường hợp 4). Để bài thơ đọc lên trầm bổng hơn, các vần đó nên luân phiên đảo, ví dụ: không dấu/huyền/không dấu/huyền/không dấu (nếu vần đầu không dấu).
Lại có ý kiến về cách đặt tên cho bài thơ. Các chữ trong tên bài thơ không nên trùng với chữ nào trong nội dung bài thơ.
Ngoài ra, trong khi bình thơ, nhà cháu cũng hay nêu ra những điều bỏ lửng đê các bác tham khảo. Vì là ý kiến riêng của nhà cháu nên cháu không thể biến nó thành qui định nào cả.
4. Quan hệ giữa luật thơ và thơ thế nào. Người làm thơ nên xử lý ra sao?
Theo nhà cháu thì luật thơ sinh ra và hoàn thiện dần trong quá trình làm thơ. Vì vậy, luật thơ cung cấp cho người làm thơ những điều mà nếu lưu tâm, bài thơ sẽ hay hơn.
Nhưng nếu làm thơ nhằm mục đích thỏa mãn luật thì nó không còn là thơ nữa. Khi đó, coi chừng thơ biến thành những công thức khô khốc.
Vì vậy, khi làm thơ, làm như thế nào cho hay là tùy các bác.
Tóm lại, luật thơ giúp người làm thơ hay hơn, chứ không phải làm thơ để minh họa cho luật.
Có thể ví như một thể chế do một đảng phái chính trị nào đó dựng nên. Mục tiêu, cương lĩnh của họ đều hướng đến một xã hội văn minh, một nền kinh tế phát triển. Chẳng có đảng nào nói ngược lại rằng đảng tôi sẽ đưa đất nước tụt hậu, làm cho nền kinh tế tiêu điều. Các chính sách điều hành xã hội sinh ra từ nhu cầu của cuộc sống, chứ không thể sinh ra từ một ý tưởng điên rồ. Nếu các hoạt động của xã hội nói chung, trong đó có hoạt động kinh tế mà lại nhằm vào minh họa cho cương lĩnh chính trị, tức là làm kinh tế để phục vụ chính trị thì nó đi ngược với qui luật phát triển của xã hội, Theo định nghĩa trong từ điển, việc này gọi là "phản động"
Con người, trong đó có người làm thơ không nên làm nô lệ cho những khuôn thước nào đã định sẵn mà phải chủ động vận dụng nó. Những khuôn thước ấy, nếu phù hợp thì ta chấp nhận, nếu không thì ta bỏ qua. Còn nếu tìm được lối thoát cho những gì đang bế tắc thì càng quí, đó là ta đã cống hiến.
5. Nên nhin nhận thơ Đường luật như thế nào?
Thơ
Đường luật có nguồn gốc từ Trung Quốc, được phổ biến ở Việt Nam đã lâu đời.
Đây là một nét văn hóa của nền văn hóa Trung Hoa. Các dân tộc thường bị ảnh
hưởng văn hóa của nhau và có sự giao thoa về văn hóa, điều này không có gì lạ.
Vì vậy ta không nên bài xích nó chỉ vì ghét tư tưởng Đại Hán.
Thơ Đường luật là một thể thơ có nhiều ưu điểm: ngắn gọn, hàm súc, giàu chất nhạc, đọc lên thấy du dương, trầm bổng, réo rắt. Nhược điểm là cầu kỳ, khả năng truyền tải hạn chế ...
Thơ Đường luật ở Việt Nam vẫn được nhiều người ưa thích, nhất là khi sử dụng cho ngâm vịnh, đối đáp, họa thơ.
Không nên tuyệt đối hóa thơ Đường luật. Có người cho rằng Đường luật là thể thơ tinh túy, bác học duy nhất. Có người mê thơ Đường luật đến nỗi biến mình thành nô lệ cho nó. Có người học xong được lớp cơ bản về thơ ĐL đã tưởng mình là nhà thơ và coi khinh tất cả các thể thơ khác. Họ cho rằng, nếu không biết làm thơ ĐL thì không thể gọi là nhà thơ. Họ cho thơ ĐL là lẽ sống tinh thần của mình.
Sự đam mê thái quá là việc của họ. Nhưng điều tệ hại hơn là khi đã biết võ vẽ về luật thơ rồi, họ thường hay so tài, châm chọc, kích bác lẫn nhau giữa phái này phái khác, giữa nhóm này nhóm khác, giữa cá nhân này cá nhân khác. Phát hiện thấy một lỗi nào của một bài thơ nào đó, họ không chịu được, liền nhảy vào phê bình. Góp ý cho nhau là quí nhưng góp ý vì chân tình với ý thức xậy dựng, vì muốn thể hiện mình hay vì chê bai, nó đều thể hiện ra bằng lời cả. Ai cũng nghĩ là mình thâm thúy, tài cao lắm. Sự tranh hơn, chê kém, hạ nhục người khác, nhà cháu thấy không nên chút nào. Đó không phải là phẩm chất cần thiết của người làm thơ.
Người ta nói, làm thơ ĐL rất nghiệt ngã là vì thế. Nhưng theo nhà cháu, bản thân luật thơ ĐL không có lỗi mà lỗi ở người làm thơ.
Về thái độ của mình đối với thơ ĐL thì sao? Các bác chỉ cần thấy nhà cháu rất ít làm thơ ĐL thì biết. Nói chung, nhà cháu đứng ngoài trong tất cả mọi cuộc tranh cãi, "đánh nhau" vì thơ ĐL. Nhà cháu tìm hiểu về thơ ĐL chỉ để mà biết.
Nhà cháu cho ràng không có thể thơ nào hay hơn thể thơ nào mà chỉ có thơ hay hoặc dở. Nhiều người làm thơ Đường luật không đồng ý với nhà cháu về quan điểm này.
Thế nhưng tại sao nhà cháu lại bỏ thời gian để "phát động cuộc thi" này. Có lẽ nhà cháu cũng chỉ làm một lần duy nhất. Nhà cháu muốn cùng các bác đưa ra vấn đề, thế nào là một bài thơ ĐL, giúp ai đó nhận ra diện mạo của một bài thơ ĐL. Không phải bài thơ nào cứ có 8 câu, mỗi câu 7 chữ, thêm tí vần vèo vào là thành thơ ĐL. Thành thơ ĐL rồi thì phải xem nó hay hay dở nữa.
Phàm cái gì đó mà không nhận biết được diện mạo của nó, sẽ dẫn đến chuyện ngộ nhận, mơ hồ. Mà sự ngộ nhận có khi nguy hiểm vô cùng như các bác đã thấy. Ngoài việc biến nhau thành trò hề còn làm mất uy tín của cả một tổ chức xã hội, chính trị, nghề nghiệp chỉ vì kẻ háo danh, người hám lợi.
Trân trọng cảm ơn các bác hơn một tuần qua đã song hành với nhà cháu. Xin tạm biệt các bác. Chúc các bác viết ra những bài thơ hay hơn nữa. Mong rằng, nhà cháu với các bác khi làm thơ hay làm được cái gì đó đều biết chính xác sản phẩm của mình làm ra như thế nào, mình đang đứng ở đâu, chứ không bịp bợm thiên hạ mang đi dự giải này giải nọ.
Việc mở ra cuộc "thi" này đã làm mất ít nhiều thời gian của nhà cháu và các bác. Nhà cháu cảm thấy có gì không phải khi mà mình ngồi bàn, bình về thơ Đường luật thì tiếng kêu của những người dân oan ở Vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Vườn hoa Lý Tự Trọng và nhiều nơi khác trên khắp đất nước này ngày càng thống thiết hơn.
Nhưng dù sao thì "cuộc thi" này cũng đã khép lại.
28/11/2012
NTT
Bài liên quan:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét