Huỳnh Văn Úc
Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Thương mại Trung Quốc thì dự trữ ngoại hối của nước này đứng thứ nhất thế giới với con số 3.290 tỷ USD. Đó là một số tiền khổng lồ. Với tiềm lực như thế Trung Quốc đẩy mạnh cuộc bành trướng ra các thị trường nước ngoài. Từ tháng Giêng đến tháng 11 năm 2012 khối lượng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc đạt 62,5 tỷ USD. Theo Asia Times Trung Quốc là nước có đầu tư trực tiếp (FDI) nhiều nhất vào Campuchia với số tiền lên đến 8 tỷ USD cho 360 dự án khác nhau trong vòng 7 tháng đầu năm 2011. Ngày đầu năm 1/1/2013 tờ báo The Phnom Penh Post đăng một bài báo với tựa đề China to invest $ 9.6 b in Cambodia-Trung Quốc đầu tư 9,6 tỷ USD vào Campuchia.Hơn chín tỷ đô la là số tiền Trung Quốc sẽ đổ vào Campuchia trong năm 2013 vào ba dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và chế biến thép. Quặng sắt sẽ được khai thác ở Preah Vihear rồi chế biến thành sắt và thép, sau đó vận chuyển về Trung Quốc theo đường biển. Trung Quốc sẽ xây dựng tuyến đường sắt dài 405 km chạy xuyên qua năm tỉnh từ nơi khai thác sắt và thép là tỉnh Preah Vihear đến Kampong Thom, Kampong Chnang, Kampong Speu, và điểm đến sau cùng là tỉnh duyên hải Koh Kong, tại đây Trung Quốc còn xây dựng một hải cảng ngó ra Vịnh Thái Lan và hướng về vùng biển Trường Sa của Biển Đông.
Không phải bất kỳ người dân Campuchia nào cũng tỏ ra vui mừng trước sự đầu tư hào phóng của người Trung Quốc. Khi hai tập đoàn do Trung Quốc làm chủ công bố dự án xây dựng nhà máy luyện thép tại tỉnh Preah Vihear ông Yim Sovan-người phát ngôn của Đảng Sam Rainsy khuyến cáo chính quyền nên mở đấu thầu quốc tế chứ không nên dành ưu tiên cho các công ty Trung Quốc. Ông Yim Sovan nhắc lại việc người nghèo bị mất đất cho chủ đầu tư và bị xua đuổi khỏi nơi cư trú. Trong một thập niên trở lại đây có ít nhất 20.000 người đã lâm vào cảnh mất đất, mất nhà, cuộc sống bị đảo lộn do sự đầu tư của Trung Quốc. Trong khi đó càng ngày càng có nhiều dân Trung Quốc nhập cư đến xứ sở Chùa Tháp, báo động một tình trạng chuyển dịch dân cư mà dân địa phương không hài lòng. Tình trạng nguy hiểm này là không thể đảo ngược, chính quyền càng hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc thì dân nghèo càng không có cơ hội để sống một cuộc sống bình thường.
Tháng 11/2012 báo chí Việt Nam đưa tin, Lào chấp nhận cho Trung Quốc xây tuyến đường sắt nối tỉnh Côn Minh của Trung Quốc với các tỉnh của Lào. Công trình này trị giá 7 tỷ USD. Chắc chắn rằng tuyến đường sắt nối biên giới Nam Trung Quốc với Lào phải có liên hệ với những cây cầu mà Trung Quốc đã xây dựng tại miền Bắc Campuchia, từ đó thông đến tuyến đường sắt ở Tây Nam Campuchia và hướng đến duyên hải Koh Kong ngó ra Vịnh Thái Lan. Rõ ràng là những đồng minh thân thiết của Hà Nội đang dịch chuyển theo cái trục xoay của Trung Quốc. Và vì thế tuyến đường chạy từ Bắc Lào xuống tận tỉnh duyên hải Koh Kong sẽ đóng một vai trò to lớn khi có biến động tại Biển Đông xảy ra vì khu vực này đã nằm trong tay Trung Quốc.
Mạnh vì gạo, bạo vì tiền, đầu tư lớn, viện trợ nhiều, mở rộng hợp tác quân sự đó là những bước đi giành ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Campuchia và Lào, hai nước trên bán đảo Đông Dương sau lưng Việt Nam.
Ảnh của Phnom Penh Post:
Liu Ziming (bên trái), chủ tịch Major Bridge Engineering Group Co Ltd của Trung Quốc và Zhang Chuan Ban, tổng giám đốc Iron & Steel Group của Campuchia bắt tay sau lễ ký kết ở Phnom Penh, 31/12/2012.
Tác giả gửi cho NTT blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét