Hiến pháp không phải chỉ sửa một lần xong. Hiến pháp có thể phải sửa nhiều lần. Sửa nội dung nào, sửa như thế nào là phụ thuộc vào lực lượng nào nắm thực quyền Nhà nước. Sửa Hiến pháp lần này các vấn đề như: điều 4, vấn đề quân đội, công an, trung thành với ai, tên nước, quốc kỳ, quốc huy, hệ tư tưởng…ý kiến của đa số người dân chưa tập trung hơn nữa lại bị hệ thống báo chí, tuyên truyền không khách quan làm sai lệch. Nên quan điểm của tôi là các vấn đề này hãy gác lại để sửa đổi Hiến pháp lần sau.
Các tầng lớp trí thức, nhân sĩ, luật gia, các nhà khoa học và các giới hãy giúp đỡ nhân dân đưa ra những góp ý cụ thể nhất, gần với lợi ích của người dân nhất vì Hiến pháp là một đạo luật cơ bản, phổ cập toàn dân. Còn các nội dung mang tính kinh viện, lập trường chính trị có tính trừu tượng, có tính chuyên môn cao thì các vị hãy dùng để thảo luận, làm khoa học với nhau đừng đưa ra nhiều Tuyên bố, Kiến nghị mà đa số nhân dân không biết cho ý kiến ra làm sao. Nếu làm như vậy thì sân khấu xã hội chỉ có các vị là diễn viên mà nhân dân không thể làm khán giả được. Tôi cho rằng vấn đề trả lại “ruộng đất cho dân cày” hay tư hữu đất đai cần phải được Hiến pháp sửa đổi lần này ghi nhận. Tư hữu đất đai là vấn đề lịch sử, gần gũi với người dân Việt Nam, đa số nhân dân có quan điểm tập trung; không một hệ thống báo chí, tuyên truyền nào có thể xuyên tạc được nguyện vọng thực sự của nhân dân.
Trước đây, khi chưa nắm được chính quyền, Đảng đã đưa ra khẩu hiệu “Ruộng đất cho dân cày” nó đã đánh đúng nguyện vọng đa số tầng lớp nhân dân. Do đó, đã lôi kéo được đông đảo nhân dân không tiếc xương, máu, sinh mạng đi theo Đảng và nó một nhân tố cơ bản làm cho Đảng cướp được chính quyền. Vì vậy, ngày nay không có một lý do gì mà Đảng lại khước từ lời hứa lịch sử mà hàng triệu sinh mạng người dân Việt Nam đã vì nó mà hy sinh.
Nhìn lại các Hiến pháp trước đây về vấn đề quyền tư hữu đất đai.
Hiến pháp 1946:
Điều thứ 12: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”.Tức là Nhà nước thừa nhận công dân có quyền tư hữu đất đai. Nhưng thực tế thì cuộc cải cách ruộng đất trong thập niên 1950 đã đưa hơn hàng chục ngàn người thuộc diện địa chủ-phú nông ra đấu tố, cầm tù, giết hại nó đã xóa bỏ cái quyền được ghi trong Hiến pháp.
Hiến pháp 1959:
Lời nói đầu, trích: “Nhưng đế quốc Pháp được đế quốc Mỹ giúp sức lại gây chiến tranh xâm lược hòng cướp nước ta và bắt nhân dân ta làm nô lệ một lần nữa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, toàn thể nhân dân ta đoàn kết một lòng đứng lên đánh giặc cứu nước. Đồng thời nhân dân ta đã tiến hành giảm tô và cải cách ruộng đất nhằm đánh đổ giai cấp địa chủ, đem lại ruộng đất cho dân cày.”
Điều 14: “Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân.
Nhà nước ra sức hướng dẫn, giúp đỡ nông dân cải tiến kỹ thuật canh tác, phát triển sản xuất, và khuyến khích nông dân tổ chức hợp tác xã sản xuất, hợp tác xã mua bán và hợp tác xã vay mượn theo nguyên tắc tự nguyện.”
Đến lúc này về danh nghĩa trong Hiến pháp, Nhà nước vẫn thừa nhận quyền sở hữu về ruộng đất của nông dân. Nhưng trên thực tế đến năm 1960 thực hiệp Hợp tác xã hóa ở Miền Bắc (Điều lệ Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp 1959 do Phó Chủ tịch Nước Hoàng Văn Hoan ký) Nhà nước đã phủ nhận hầu như toàn bộ quyền sở hữu ruộng đất của nông dân, nông dân chỉ còn “ruộng rau xanh” hay “ruộng 5%”.
Hiến pháp 1980:
Điều 19: “Đất đai, rừng núi, sông hồ, hầm mỏ, tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất, ở vùng biển và thềm lục địa… mà pháp luật quy định là của Nhà nước - đều thuộc sở hữu toàn dân.”
Đến đây thì Hiến pháp ghi rõ đất đai là của Nhà nước - đều thuộc sở hữu toàn dân.
Hiến pháp 1992:
Điều 17: “Đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, … là của Nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân.”
Tiếp tục khẳng định đất đai là của Nhà nước - đều thuộc sở hữu toàn dân.
Trước năm 1945 cho đến năm 1954 khi Đảng giành được chính quyền ở miền Bắc thì chính nhờ tư hữu đất đai mà nhân dân có nguồn lực kinh tế, tài chính nuôi Đảng, nuôi Bộ đội, nuôi Chính phủ.
Sau này cho đến trước Hiến pháp 1980 thì “ruộng 5%” lại là nguồn cung cấp chính nuôi sống các gia đình nông dân chứ không phải công, điểm của Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
Giai đoạn tiếp cho đến khoán 10 (Phương thức khoán gọn được Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị tháng 4-1988 xác nhận và thường gọi là khoán 10) là thời kỳ cả nước thiếu, đói lương thực, thực phẩm trầm trọng. Khoán 10, tức là Nhà nước từ chỗ nắm trọn 03 quyền của quyền sở hữu ruộng đất nay phải trả lại nông quyền sử dụng về ruộng đất và quyền chiếm giữ về ruộng đất. Nhờ thay đổi quyền sở hữu ruộng đất mà từ năm 1989 cho đến nay Việt Nam liên tục là quốc gia xuất khẩu hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm và trở thành quốc gia đứng hàng nhất, nhì thế giới về xuất khẩu gạo.
Trong lịch sử vấn đề tư hữu ruộng đất chính là cơ sở kinh tế - văn hóa – xã hội để giành lại độc lập và giữ nước. Lịch sử một ngàn năm Bắc thuộc và 80 năm Thực dân Pháp đô hộ ruộng đất vẫn được phép tư hữu, chính quyền đô hộ không xóa bỏ phương thức sản xuất đến cấp Làng xã. Do vậy, mà văn hóa, tập quán của dân tộc vẫn còn (Phép Vua thua lệ Làng) Làng xã không hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền Trung ương. Tuy Nước mất nhưng Làng vẫn còn, cuối cùng chúng ta vẫn đòi lại được Nước. Xóa bỏ tư hữu ruộng đất làm cho Nhà mất (gia đình), Làng xã mất tức là hủy hoại văn hóa gia đình, hủy hoại văn hóa Làng xã nếu mất chính quyền Trung ương hay Nước mất Nước thì mất vĩnh viễn.
Xóa bỏ tư hữu đất đai + kinh tế thị trường = tham nhũng đất đai, bất công, tệ nạn xã hội. Bài học lịch sử sau nhiều năm áp dụng cơ chế tập trung bao cấp đã khẳng định đó là ngõ cụt không thể quay lại con đường đó và phải thừa nhận kinh tế thị trường. Do vậy, muốn xóa bỏ đẳng thức “tham nhũng đất đai, bất công, tệ nạn xã hội” thì phải thừa nhận tư hữu đất đai.
Trả lại quyền sở hữu đất đai cho người dân sẽ loại bỏ được cơ sở pháp lý để các cơ quan Nhà nước sử dụng vũ lực cưỡng đoạt đất đai của người dân.
Đất đai ở Việt Nam hôm nay là muối của Ấn Độ ở thế kỷ 20.
Nếu Nhà nước trả lại nhân dân quyền định đoạt về đất đai thì quyền sỡ hữu đất đai của người dân mới là trọn vẹn, khi đó đất nước sẽ cường thịnh hơn gấp mười lần ngày nay.
Tư hữu đất đai không phải là quyền về chính trị mà là quyền về kinh tế, quyền về xã hội được hưởng công bằng, quyền không bị trấn áp bằng vũ lực. Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nhà nước hãy trả lại nhân dân quyền tư hữu đất đai.
Hà Nội, 24/03/2013
HHS
Tác giả gửi cho NTT blog
BỜM THỜI @THAM GIA SỬA HIẾN PHÁP
Trả lờiXóaThằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông đổi chức quan to chưa từng
Thằng Bờm trí tuệ quá chừng
Phú ông choáng váng nửa mừng nửa lo.
Bờm rằng chẳng lấy chức to
Cứ đòi đa đảng, tự do, tam quyền
Điều bốn hiến pháp còn nguyên
Bờm rằng phải bỏ trao liền cho dân.
Bờ xôi ruộng mật xa gần
Phải là chính chủ chẳng cần tên ai
Vòng vo tam quốc dông dài
Những điều cốt tử bỏ ngoài không yên.
Dự thảo sửa dưới sai trên
Sửa đâu sai đấy ngả nghiêng Bờm cười.