Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

NGHỀ VĂN KHÔNG SANG TRỌNG THÌ NGHỀ NÀO HƠN?

(Đối thoại với GS Trần Đình Sử )

Nguyễn Hoàng Đức


Thân ái chào giáo sư Trần Đình Sử, lâu rồi tôi không được gặp anh, nhưng vừa rồi được đọc GS qua bài có vấn đề “Phê bình kiểm dịch”, thấy nể phục giá sư quá. Dù bài đó, GS vẫn viết theo lối “tân cổ điển mô phạm”, nghĩa là ít xông thẳng ngay vào vấn đề mà bao giờ cũng dàn trận xây xong các hòn gạch móng, rồi mới xây tháp để theo dõi trận đánh. Bài của GS vẫn có cách xây móng đó, nhưng nó đã ào tới cả một luồng gió tươi mới mát mẻ và đem theo cả nội hàm “phê bình kiểm dịch” mạnh mẽ như một trận cuồng phong muốn cuốn đi tất cả lá úa cỏ khô cũ kỹ lỗi thời. Nói thật, từ lâu nay tôi vẫn định kiến các giáo sư nhú lên từ thời bao cấp có cái gì đó khuôn thước ngăn kéo mốc meo mô phạm. Nhưng khi đọc bài của GS, tôi thấy ông đã canh tân “vũ khí” cũ để đem vào một trận đánh mới. Lâu nay không có dịp gặp giáo sư, nên tôi muốn qua bài “Nghề văn không sang trọng” mới của GS, gặp gỡ ông qua trao đổi. Trong phần kết luận ông nói:

“ Văn chương rất cần sự cao quý nhưng không cần sang trọng.”

Nói chung tôi khá đồng tình với hàm lượng bài viết của GS, ông ví nghề văn như nghề nhặt rác để làm cho xã hội thêm trong sạch hơn. Ông khích lệ các nhà văn, nhà thơ nên từ bỏ tính háo danh để dấn thân thực sự vào con đường canh tân xã hội. Đó mới là điều cao quí. Ý tưởng này của ông rất giống ý tưởng của nhà văn, triết gia J.P Sartre, đó là: “Tôi yêu những bàn tay bẩn, vì đó là những bàn tay bắt vào dọn dẹp cuộc đời”. Bàn tay chỉnh sửa tươm tất, bôi phấn quệt mầu chỉ là tay cave ngồi bên hè đợi khách, rồi đếm tiền boa. Bàn tay của nhà văn thì không thể như vậy mà phải cao quí hơn nhiều, như một phương ngôn của Ấn Độ: “Mực của học giả còn hơn máu kẻ tử đạo”.

Tôi cho rằng: cao quí và sang trọng cũng có nghĩa đồng tâm và đồng nhất khá lớn. Chẳng hạn người Tầu có câu: Làm giầu một đời, làm sang ba kiếp. Người Do Thái cũng nghĩ vậy, đời cha ông họ luôn lo làm giầu, để đời sau cho con ăn học.

Tất nhiên, tôi hiểu lời nói của giáo sư là cách nói tu từ, để dẫn đến cái ý tứ bên trong, cái thông điệp tinh thần. Dẫu vậy tôi vẫn muốn trao đổi để rõ ràng hơn, hoặc chí ít chúng ta được chuyện trò, nhiều hơn là được phát triển nhận thức. Theo tôi:

Văn học là sang trọng và cao quí bậc nhất!

Bởi các lý do sau:

- Văn học là môn nghệ thuật bằng chữ viết. Mà triết gia kinh viện Aristote có nói: “Học bất cứ cái gì trên đời thì điều đầu tiên cần phải học là chữ viết. Và học chữ viết là mất nhiều công nhất”.

- Triết gia Hegel cho rằng: Thi ca là loại hình nghệ thuật cao nhất bởi vì chỉ có thi ca mới có khả năng triết lý, mà các loại hình khác không thể làm được.

Cụ thể hơn, thi ca (chữ viết) có thể đưa ra những khái niệm như “tinh thần”, “bất tử”, “vĩnh cửu”, “bất diệt”, “siêu hình học”, “Thượng Đế”, “ma quỉ”…những môn nghệ thuật khác như hội họa và âm nhạc không thể lột tả được khái niệm đó.

- Triết gia Aristote xác định: Văn chương là cao quí nhất bởi chỉ có văn chương mới có thể bàn đến công lý để minh oan cho con người. Công lý là cái đẹp nhất trong tâm hồn con người, và chỉ có văn chương mới toàn quyền bàn thẳng vào điều đó! Còn hội họa, kiến trúc, âm nhạc thì không bao giờ.

Nói thế thì mấy anh nhà thơ vụn, trường ca không cốt truyện chớ có vui mừng hụt. Thi ca bàn đến ở đây, là thi ca như Illiad hay Odyssey… chúng có nhân vật và kịch tính, vừa là thơ, vừa là kịch, vừa là tiểu thuyết.

Văn chương không thể cao quí nếu như người ta chỉ tập làm văn như nhà thơ Xuân Diệu viết:

“Nghề xếp chữ ôi nghề con trẻ

Dăm câu vui đắp đổi mấy câu sầu”

Văn chương sang trọng và cao quí khi nó mang tầm tư tưởng, mà tư tưởng của loài người thì không thể đi ra ngoài những công lý, bình đẳng, tự do, bác ái, lập hiến, Thượng Đế, tôn giáo, tín ngưỡng… Nhưng đây lại là thứ rất thiếu và rất yếu của văn học Việt Nam, thành ra văn chương nói chung vẫn là bài ca nhì nhằng hát xướng vần vèo. Tôi đã từng viết đại ý: muốn ăn ra nhà hàng, muốn mua thịt thì ra chợ, muốn nghe nhạc đến nhà hát, muốn chữa bệnh đến bệnh viện, muốn tìm kiếm tín ngưỡng đến nhà thờ… nhưng muốn cứu rỗi tâm hồn thì còn gì lớn hơn văn chương?!

Cứu rỗi tâm hồn, chợ không làm được, bệnh viện cũng không, nhà hát cũng không, chỉ có văn chương mới khả dĩ làm chu toàn việc đó. Vậy thì văn chương với sứ mệnh cứu rỗi tâm hồn con người lại không cao quí và sang trọng hàng đầu sao?!

Mấy lời bộc bạch cùng giáo sư. Chúc giáo sư luôn mạnh khỏe, viết nhiều hơn để anh em được đọc và trao đổi lại. Cám ơn nhiều!


NHĐ 09/08/2013

Tác giả gửi cho NTT blog

2 nhận xét:

  1. Cụ Cố Hồng9/8/13 9:05 CH

    Thiên lý vạn lý,
    nói thế nào mà chẳng được.

    Khổng tử thì "viết":

    "Vạn ban giai hạ phẩm
    Duy hữu độc thư cao".

    Còn Cao Bá Quát lại "phán":

    "Lập thân tối hạ thị văn chương".

    Đức Thánh Khổng và Đức Thánh Quát,
    ông nào cũng có lý.

    Còn mọi người thì sao,
    thích sao thì bảo vậy.

    Thậm chí đổi ý bao nhiêu lần cũng được,
    và lần nào cũng đúng hết.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh18/8/13 5:02 CH

    Cộng sản cũng sử dụng danh từ giáo sư sao?mấy thằng cộng sản dốt đặc tự phong quan , chức tước nhiều lắm...không tin đâu

    Trả lờiXóa