Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

‘Thủ phạm gây cá chết miền Trung’: Nhà nước có thể kiện Formosa Hà Tĩnh?

Thảo Vy



(VNTB) - Khi lợi ích của số đông người dân bị xâm phạm như trong vụ cá biển chết ở dọc 4 tỉnh miền Trung với tác nhân là chuyện xả thải của Formosa Hà Tĩnh, Nhà nước có thể thay mặt dân đi kiện không? Câu trả lời là: “Có”.

Nếu là Nhà nước chính danh…
Một trong những nhiệm vụ cơ bản - làm nên tính chính danh - của Nhà nước (NN) là bảo vệ và bảo đảm quyền lợi chung của xã hội trước những quyền lợi riêng biệt khác. Chính là để hoàn thành nhiệm vụ này mà NN được nhân dân trang bị quyền lực tối cao mang tính cưỡng bức đối với bất kỳ thành viên nào trong xã hội.
Trên cơ sở và trong khuôn khổ hiến pháp (điều 3 Hiến pháp 2013), NN có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ lợi ích chung của xã hội ở bất cứ nơi nào bị xâm phạm hoặc có nguy cơ bị xâm phạm. Khi được người dân yêu cầu, NN có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi chung, kể cả khởi kiện chủ thể có hành vi xâm hại (khởi kiện thụ động). Ngay cả khi không được yêu cầu, NN cũng phải chủ động điều tra và tiến hành khởi kiện (khởi kiện chủ động).
Theo điều 53 Hiến pháp, đất đai, sông hồ, nguồn nước... đều thuộc sở hữu toàn dân. Nếu Formosa Hà Tĩnh là thủ phạm hủy hoại nguồn lợi ở vùng biển, thì song song với xử phạt hành chính, trong tư cách là người đại diện sở hữu toàn dân, NN cần đứng ra khởi kiện Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa, buộc công ty này chấm dứt gây ô nhiễm, phục hồi môi trường và bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm thu thập bằng chứng thiệt hại trước tiên thuộc về NN.
Cơ quan thừa ủy quyền của NN đứng ra khởi kiện sẽ là một trong các sở tài nguyên - môi trường, sở khoa học - công nghệ, sở văn hóa - thể thao & du lịch của các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi hành vi hủy hoại biển ở miền Trung Việt Nam. Theo nguyên tắc pháp lý chung, nếu cấp được ủy quyền (sở) vì lý do nào đó không làm tốt việc được ủy quyền (khởi kiện), trách nhiệm khởi kiện sẽ chuyển sang cấp bộ tương ứng. Cuối cùng, nếu cấp bộ cũng không thực hiện, thì Chính phủ phải nhận lấy trách nhiệm này.

Quyền của ông giám đốc đối ngoại đến đâu?
Tại buổi họp báo chiều 26-4, ông Trương Phục Ninh - phó tổng giám đốc điều hành Formosa cho biết cuộc họp báo này nhằm thông báo ông Chu Xuân Phàm hoàn toàn không phải người phát ngôn. Vì cảm xúc cá nhân, ông Chu Xuân Phàm đã có những phát biểu không đúng đắn. Phía Formosa xin nhấn mạnh những câu phát biểu đó không đại diện cho lập trường của công ty Formosa. Có mặt tại buổi họp báo, ông Chu Xuân Phàm chỉ nói ba câu ngắn: “Tôi là Chu Xuân Phàm, tôi thành thật xin lỗi.Câu nói của tôi chưa được ủy quyền nhưng đã gây bức xúc cho người dân. Tôi thành thật xin lỗi”.
Trước đó trong cuộc trao đổi với báo chí tại Hà Nội vào ngày 25-4, khi được hỏi về việc từ khi nhà máy hoạt động thì vùng biển quanh đường ống xả ngầm ra biển không còn tôm cá hay sinh vật biển, ông Chu Xuân Phàm - trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh - đã có những phát biểu nguyên văn như sau:
“Tôi công nhận việc xả thải là ít nhiều có ảnh hưởng đến môi trường, nước xả thải là nước ngọt khi xả thải ra hòa lẫn với nước biển chắc chắn làm thay đổi môi trường, cá tôm ít đi là điều đương nhiên. Trước khi xây dựng dự án này thì công ty phải xin phép Nhà nước VN. Nhiều khi được cái nọ mất cái kia, đây là tôi nói thật lòng. Hôm nay nhà nước mình muốn cho ngư dân đánh bắt ở đây hay là chọn cái nhà máy thép ở đây, đương nhiên Nhà nước phải có sự cân nhắc. Nếu xả thải thì đương nhiên sẽ thay đổi sinh học ở đây, ở vùng biển quanh đây. Nhưng bây giờ mà nói tôi không thể xây dựng nhà máy thép ở đây mà không ảnh hưởng đến con cá, con tôm.
Đương nhiên mình cố gắng làm một nhà máy đạt được tiêu chuẩn quy định của nhà nước. Có khi được cái này thì phải mất cái kia chứ. Cũng như việc vùng đất này lấy làm nhà máy thì không thể trồng lúa gì được. Hai cái này mình phải lựa chọn một, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay tôi muốn xây dựng một ngành thép hiện đại?
Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này. Công ty khi xây dựng nhà máy ở đây có hậu quả ô nhiễm nghiêm trọng đến con cháu mình hay không là vấn đề cần quan tâm. Trách nhiệm của công ty, của tập đoàn mình cố gắng làm theo quy định của VN. Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…”.
Như vậy, mặc dù là phát biểu “chưa được ủy quyền”, nhưng là căn cứ để nhà chức trách giờ đây chỉ cần chứng minh cá ở các vùng biển lân cận với Vũng Áng bị chết, có cùng nguyên do như ở khu vực biển Vũng Áng có đường ống xả của Formosa Hà Tĩnh, thì đã có thể khởi kiện Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa, buộc công ty này chấm dứt gây ô nhiễm, phục hồi môi trường và bồi thường thiệt hại. Vấn đề chính giờ đây là thu thập bằng chứng thiệt hại.

“Án lệ” Vedan
Nông dân TP HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã ủy quyền cho Hội Nông dân để khởi kiện Công ty Vedan vào năm 2010 về việc suốt 14 năm trước đó đã xả hàng ngàn khối nước thải không qua xử lý xuống sông Thị Vải, làm hủy diệt nguồn lợi thủy sản của người dân Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM. Qua nhiều lần thương thảo, phía Vedan đã chấp nhận bồi thường 100% thiệt hại cho người dân.
Từ “vụ án Vedan” cho thấy tiền có thể mua được nhiều thứ, nhưng đâu thể chuộc lại môi trường và sự khốn khổ của hàng chục ngàn người dân nơi đây. Nói một cách khác, hoàn toàn không thể chấp nhận luận điểm “chưa được ủy quyền”, là: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…” đầy thách thức của ông Chu Xuân Phàm - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Sẽ là một vụ “Trạng chết, Chúa cũng băng hà”?
“Câu nói của tôi chưa được ủy quyền” là một biện minh vụng về. Trong vai trò một giám đốc đối ngoại, chắc chắn ông Chu Xuân Phàm không hề lỡ miệng nói vội mà không suy tính thiệt hơn. Trước đó vài hôm, một thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mau chóng lên tiếng với báo chí là chuyện đường ổng xả thải xuống biển Vũng Áng của Formusa Hà Tĩnh đã xin đúng phép tắc, và bộ này cũng đã cấp phép theo “đúng quy trình”. Tuy nhiên với những diễn biến xảy ra, nhiều chuyên gia về môi trường ngờ rằng ở đây “thiếu minh bạch”.
GS Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội Môi trường và tài nguyên nước Việt Nam nói rằng theo quy định của pháp luật, các dự án đều phải thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Là chuyên gia đầu ngành nhưng GS Tuấn cho biết ông chưa bao giờ được tiếp cận ĐTM của Formosa. Theo GS Tuấn, thực tế, cơ quan chính quyền nhiều địa phương thường thấy món lợi ích kinh tế trước mắt do dự án mang lại mà lờ đi, nhắm mắt thông qua ĐTM. Doanh nghiệp cũng không dại gì công khai ĐTM cho giới chuyên gia góp ý do lo ngại vấp phải các ý kiến trái chiều, có thể làm chậm lại quá trình đầu tư. Khi nào có báo chí, người dân nêu lên, dư luận xôn xao thì cơ quan chức năng từ cấp bộ, sở ngành mới lập đoàn đi thẩm định. Các vụ việc giống như cá chết hàng loạt ở dải ven biển miền Trung gần đây, lấp sông Đồng Nai... chỉ toàn báo chí, người dân phát hiện chứ không mấy khi thấy cơ quan chức năng phát hiện.
Đồng tình với quan điểm trên, PSG.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – Đại học Cần Thơ đặt vấn đề, nếu đường ống xả thải khổng lồ của Formosa có trong ĐTM và được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, thì theo quy định nó phải được thông qua một bước quan trọng là tham vấn cộng đồng và chính quyền địa phương. Một nguyên tắc cơ bản của việc làm ĐTM là phải công khai minh bạch nên chính quyền địa phương và người dân phải biết về đường ống này. Nhưng theo thông tin báo chí phản ánh thì có vẻ như người dân địa phương bất ngờ về đường ống này|, ông Tuấn nói.
TS Đào Trọng Tứ, cố vấn mạng lưới sông ngòi Việt Nam cũng nói rằng ông cùng nhiều đồng nghiệp khác chưa từng được tiếp cận ĐTM của Formosa. Formosa là một dự án rất lớn, tác động đến môi trường cao vì vậy cần phải công bố, minh bạch ĐTM đến công chúng.


Đã biết nguyên do cá chết?
Sau cuộc họp bàn về hiện tượng hải sản chết bất thường tại ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế diễn ra tại Hà Tĩnh, chiều 25-4 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Vũ Văn Tám đã có kết luận về việc này.
Thứ trưởng cho biết hiện tượng cá chết bất thường xuất hiện vào ngày 06-4-2016 tại vùng nuôi lồng xã Kỳ Lợi, Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, sau đó xuất hiện cá tự nhiên chết hàng loạt tại ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Ngay sau khi xảy ra sự việc, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản và các cơ quan chuyên môn nhanh chóng vào cuộc, thu mẫu, xác định nguyên nhân. Kết quả phân tích ban đầu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 và Cục Thú y cho thấy cá chết bất thường không có các biểu hiện bệnh lý, không tìm thấy tác nhân gây bệnh dịch thông thường.
Các thông số môi trường thông thường đều nằm trong giới hạn cho phép. Như vậy, nguyên nhân cá chết nhanh bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc yếu tố khác.
Tuy nhiên phía Bộ Tài nguyên và Môi trường “cẩn trọng” nói rằng chỉ có thể công bố nguyên do vào chiều ngày 27 tháng 4.
Như vậy, giờ đây Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an) chỉ cần điều tra xem nguồn độc tố đó xuất phát từ đâu là đã có thể “khép lại” nghi vấn ai là thủ phạm hủy diệt nguồn lợi hải sản của ngư dân các tỉnh miền Trung Việt Nam.
Có lẽ cũng nên nói thêm, kết quả phân tích ảnh vệ tinh VNREDSat-1 và các ảnh vệ tinh khác cho thấy, khoảng thời gian từ 6-4 đến 24-4 chưa phát hiện các vụ tràn dầu lớn tại khu vực nghiên cứu. Nguyên nhân cá chết do tràn dầu tạm được loại bỏ.
Sẽ có người đặt câu hỏi rằng: Vì sao đợt súc xả đường ống lần này thì vùng biển từ Vũng Áng tới Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế bị ảnh hưởng mà không phải là các địa phương từ Vũng Áng đổ ra phía Bắc?
Thật dễ hiểu bởi vì phù hợp với dòng chảy hải lưu theo bản đồ của Viện Khoa học thủy lợi rằng: Một năm có hai mùa để dòng chảy hải lưu thay đổi. Vào tháng 2 thì dòng hải lưu chảy theo hướng Bắc- Nam và đến tháng 8 thì dòng hải lưu đổi chiều theo hướng Nam- Bắc.

Như vậy có nghĩa là, nếu Formosa súc xả đường ống vào cuối năm thì các địa phương như Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình… lãnh đủ chuyện “đừng có mà mơ ra khơi”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét